Người trồng lúa cần được tiếp sức trong cuộc chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh doanh nông nghiệp” bằng các bài toán kinh tế.
Tuy đạt nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp nhưng nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Để phát triển bền vững bằng việc đa dạng hóa sản xuất, có những vấn đề mà tự thân người nông dân không dễ gì vượt qua. Mặt khác, sự yếu kém về cơ chế điều hành, thiếu định hướng về thị trường cũng như hạn chế trong tổ chức lại sản xuất ở ĐBSCL là những trở ngại không nhỏ.
Trong phần cuối loạt bài “Thích ứng kép để sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL”, nhóm phóng viên Đài TNVN nêu vấn đề “Tầm nhìn mới cho ngành lúa gạo”.
ĐBSCL có lợi thế sản xuất lúa nhưng giá trị mang lại chưa caoTheo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Sản lượng lúa của Việt Nam từ 42 - 45 triệu tấn/năm, sản lượng gạo từ 26 - 29 triệu tấn/năm. Gạo Việt đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu đã tăng hơn so với trước.
Tuy nhiên, những thay đổi ngày càng nhanh của thị trường thế giới đã cho thấy sự “hụt hơi” trong việc tiếp cận xuất khẩu và phát triển thị trường lúa gạo trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều loại gạo Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của Châu Âu và của một số thị trường nhập khẩu lúa gạo khác.
GS. TS. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp miền Nam cho rằng, thương hiệu luôn xây dựng trên một nền tảng chất lượng cao, được công nhận và ghi nhớ trong nhận thức của người tiêu dùng, được kiểm soát chất lượng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc:
“Cách làm nhỏ lẻ một nông dân nửa hecta, một hecta không thể nào Việt Nam có thương hiệu được. Và mô hình cánh đồng lớn nếu thành công thì chúng ta sẽ tổ chức lại sản xuất thành công. Điều kiện thứ 2 là cần xây dựng lại chiến lược xuất khẩu gạo với thương hiệu quốc gia. Trong chuỗi giá trị đó thì có sự tham gia rất lớn của các doanh nghiệp lớn”.Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt do Thái Lan bán chào với mức giá thấp; Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao; các nước nhập khẩu tăng cường đặt ra tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cung vượt cầu đã gây áp lực tiêu thụ lúa gạo của nước ta. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là cây lúa và người trồng lúa đang cần được tiếp sức trong cuộc chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh doanh nông nghiệp” bằng các bài toán kinh tế.
Song song với việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo quốc gia, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, cần sớm chính quy hóa sản xuất lúa gạo. Bởi hiện các nước nhập khẩu cũng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu tránh phụ thuộc vào một thị trường. Vì vậy, đối với Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ - tối ưu hóa nguồn cung. Thực tế diễn ra cho thấy những năm qua, có một số doanh nghiệp chủ yếu chạy theo số lượng xuất khẩu mà thiếu kiểm soát chất lượng bị “tuýt còi” rất đáng tiếc.
“Việt Nam cần thực hiện tối ưu hóa nguồn cung. Nếu sản lượng cả nước khoảng 5 triệu tấn thì đầu ra, tiêu thụ đơn giản hơn, nhưng tăng lên 6-7 triệu tấn lại là vấn đề lớn. Bởi vậy, cần tối ưu hóa tổng sản lượng, tối ưu hóa cơ cấu sản lượng. Tái cơ cấu sản xuất là quan trọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu ý kiến.
Sản xuất lúa thường xuyên đối mặt với mưa lũ, khô hạnBên cạnh nỗ lực giải quyết bài toán thị trường cung cầu thì tình trạng biến đổi khí hậu, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn đã và đang có những diễn biến bất lợi, tác động đến sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Cùng với đó là sự thay đổi căn bản về nguồn nước ở thượng nguồn sông MêKông do hoạt động kinh tế của các quốc gia đầu nguồn là bài toán khó đặt ra đối với ĐBSCL trong chiến lược phát triển bền vững. Chính vì thế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng cao giá trị sản phẩm trong nông nghiệp; giảm thiểu những rủi ro, tác động đến sản xuất; thay thế cây lúa ở những nơi có khả năng sản xuất thủy sản, chăn nuôi và phát triển rau màu là cần thiết.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nước ta không nên tiếp tục chuyển tất cả những giá trị của đất, nước, môi trường, đa dạng sinh học thành tiền thông qua lúa gạo vì việc sử dụng tài nguyên như vậy là không hiệu quả:
“Chúng ta theo đuổi chiến lược sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa nước chạy theo mục tiêu tăng trưởng sản lượng cao, không phải chất lượng lúa gạo. Chạy theo sản lượng như thế tốn rất nhiều nguồn lực, phân bón, nước, xăng dầu… Chúng ta phải thay đổi cấu trúc sản xuất lương thực sau khi đã đảm bảo an ninh lương thực, chọn giống lúa chất lượng cao; cần giảm bớt diện tích trồng lúa để không bị động về nước”, PGS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cần có những chiến lược dài hạn cho lúa gạo ĐBSCLMặc dù có những tồn tại và thách thức lớn, song sản xuất lúa gạo vẫn là thế mạnh của vùng ĐBSCL; vẫn là ngành hàng có nhiều thời cơ do nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên thế giới vẫn tiếp tục tăng 70% so với hiện nay để nuôi sống 9 tỷ người vào năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đang tổng kết chương trình an ninh lương thực, trong đó sẽ tính toán giảm 500.000 hecta trên tổng số gần 4 triệu hecta đất trồng lúa để thay thế các nông sản khác có giá trị cao hơn. Do đó, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ có “một tầm nhìn” mới đi kèm những hoạch định chiến lược phù hợp, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người trồng lúa ở Việt Nam và các doanh nghiệp lúa gạo.
“Cần thực hiện tái cơ cấu cả 3 mặt. Một là khâu sản xuất mà linh hồn là liên kết. Không liên kết thì không thắng lợi, không liên kết, tiêu thụ khó. Thứ 2 là chế biến và thứ 3 là tổ chức thị trường. Một điểm quan trọng là quan tâm thị trường trong nước. Bởi hiện nay đã gần 100 triệu dân, với 33 triệu công nhân, 40% dân số thành thị. Vì vậy, có những gu chọn lựa khác nhau, phải sản xuất theo nhu cầu từng vùng. Như vậy phải thực hiện cả 3 trụ sản xuất – chế biến – thị trường đều phải tổ chức lại thật tốt. Cùng với đó, giảm diện tích theo định hướng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
ĐBCSL là “vựa lúa” lớn nhất cả nước với 2 triệu hecta đất lúa, chiếm 60% sản lượng và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy vậy, nông dân sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn nghèo, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa thu được lợi nhuận 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.
Do đó để thích ứng “kép” trong sản xuất lúa gạo và nâng cao thu nhập cho nông dân, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ liên kết, phát triển mạnh các hợp tác xã; tạo cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cánh đồng lớn tại ĐBSCL. Bên cạnh đó, phải chú trọng định vị thương hiệu, nâng cao chất lượng để tăng cường khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế./.