Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Điểm đầu tiên mà đoàn công tác đến trong ngày 27.2 là vùng chè cổ ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Vừa đi khảo sát từng gốc chè cổ, các cán bộ của đoàn công tác tỏ ra rất thất vọng khi thấy các cây di sản ở đây đang bị mối tấn công, tàn phá rất nghiêm trọng.
Suối Giàng được biết đến là vùng chè đặc sản nổi tiếng của Việt Nam và cũng ít có nước nào trên thế giới có được. Được biết, tổng diện tích chè của xã Suối Giàng hiện nay là 540ha, trong đó có 140ha mới trồng. Sản lượng bình quân mỗi năm đạt 500 tấn chè búp tươi, giá chè búp tươi trung bình hiện nay là 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi tới đây, đoàn công tác cũng được tận mắt chứng kiến một số cây chè đang bị côn trùng gây hại khiến ảnh hưởng nặng tới chất lượng và sức khỏe.
Theo đánh giá của đoàn công tác, với những thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, Suối Giàng hoàn toàn có thể cần sự đầu tư xứng tầm hơn cho cây chè đặc sản. Nếu những thuận lợi này được tận dụng và khai thác triệt để, việc phát triển thị trường cho loại nông sản này sẽ sớm đạt kết quả khả quan.
Ngoài cây chè, sản phẩm lúa Mường Lò (TX.Nghĩa Lộ), một loại nông sản được xếp hạng cao nhất, nhì về chất lượng ở vùng Tây Bắc cũng đang có vấn đề trong việc phát triển thương hiệu.
Được trực tiếp thưởng thức, các thành viên đoàn công tác đều cảm nhận được sự thơm ngon của loại đặc sản này. Nhưng khi khảo sát tại gian hàng bày bán sản phẩm, điều khá đáng tiếc là sản phẩm được đóng gói chưa chuyên nghiệp, nhãn mác còn khá sơ sài. Các hạt gạo cũng không đồng đều, màu sắc chưa bắt mắt. Điều này có thể khiến cho loại đặc sản này khó tiêu thụ.
Dù còn một số hạn chế, nhưng theo đánh giá của đại diện Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát, thành viên đoàn công tác, các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng còn rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là phát triển các thương hiệu đặc sản.
"Khi khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc, chúng tôi ưu tiên xây dựng các vùng nông nghiệp hữu cơ và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Vì thế, trong chuyến trong chuyến công tác cùng với Hội NDVN tại các tỉnh Tây Bắc, chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sau thu hoạch nhằm gắn kết lợi ích của doanh nghiệp với địa phương và bà con, qua đó muốn hỗ trợ bà con cải thiện đời sống, an tâm sản xuất" - vị đại diện đánh giá.
Đầu ra vẫn là nỗi lo thường trực
Đoàn công tác thăm quan, khảo sát rừng chè cổ ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày 27.2. Ảnh: T.Q
Thừa nhận thực trạng trên, ông Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng: Hiện nay, vùng chè Suối Giàng có 3 doanh nghiệp thu mua chế biến chè, các doanh nghiệp này đều được cấp nhãn hiệu chè Suối Giàng. Ngoài ra, còn có 11 cơ sở chế biến chè gia đình, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 120-150 tấn chè hàng hóa, nhưng mỗi chỗ làm mỗi kiểu, chưa có sự đồng nhất về sản phẩm, nên tỉnh đang rất cần có doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị giúp bà con hoàn thiện điều này.
Cũng theo ông Duy, về việc diệt mối cho chè trong thời gian tới, địa phương đã mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học về khảo sát để đưa ra cách trị mối cứu rừng chè cổ thụ nhưng không thành công vì mọi người cho rằng, vấn đề này quá phức tạp, khó xử lý.
Người đứng đầu UBND tỉnh Yên Bái cũng bày tỏ sự cảm kích và hoan ngênh đề xuất đầu tư của lãnh đạo Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát trong việc phát triển nông nghiệp bền vững gắn với nhiệm vụ giữ gìn văn hóa bản địa và phát triển xã hội của địa phương. Theo ông Duy, riêng khâu sản xuất và chế biến sản phẩm sạch, nông dân trên địa bàn đã đủ năng lực. Nhưng đầu ra vẫn là nỗi lo thường trực. Đến thời điểm này, bà con sản xuất ở tỉnh chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường tự do, nên rất cần doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi giá trị để giúp bà con.
"Cùng với đó, Yên Bái kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như quế, chè, dược liệu... nhằm gia tăng giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu" - ông Duy nhấn mạnh.
Đến nay, Yên Bái cũng đã hình thành các vùng sản xuất nông sản đặc sản theo tiêu chuẩn như lúa nếp Tú Lệ với diện tích gieo cấy 100ha tại xã Tú Lệ (Văn Chấn), sản lượng đạt trên 450 tấn/năm, giá trị đạt gần 12 tỷ đồng; bưởi Đại Minh 550ha, sản lượng quả đạt trên 8.000 tấn/năm, giá trị đạt 60 tỷ đồng; cam sành Lục Yên 500ha, sản lượng quả đạt 4.000 tấn/năm...
Cần có đầu tư xứng tầm
Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, ông Duy cũng đề nghị T.Ư Hội NDVN và các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục có cơ chế mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến sâu để hình thành chuỗi liên kết giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như dược liệu, cây ăn quả...
"Bên cạnh đó, các cơ quan trung ương cần phải có thông tin dự báo, định hướng thị trường để giúp địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng phải giải cứu nông sản" - ông Duy kiến nghị.
Chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, đồng chí Thào Xuân Sùng cho biết, Yên Bái là một trong những tỉnh ở vùng Tây Bắc có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất các loại nông sản đặc sản.
Tuy nhiên hiện nay, việc sản xuất các mặt hàng này đang chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn là rất đáng tiếc. Cần có đầu tư xứng tầm hơn để thay đổi bộ mặt nông thôn và nông dân.
"Với điều kiện sẵn có, tỉnh có thể mạnh dạn xây dựng công viên sinh thái chè để phục vụ du lịch sinh thái, nâng tầm sản phẩm chè đặc sản để kinh doanh hiệu quả, giúp nông dân ở đây thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương tươi đẹp của mình" - đồng chí Thào Xuân Sùng chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chuyên cung cấp sỉ và lẻ sâm dây Ngọc Linh, hàng nông sản, dược liệu từ các tỉnh Tây Nguyên
an toàn
đa dạng
toàn quốc